Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Văn bản chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh từ ngày 15/7 đến 30/7

2021-07-30 14:55:00.0

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chủ động phòng chống dịch, kiểm soát tình hình, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19:

* Ngày 16/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125-KH/UBND triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Trong năm 2021 tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên sống, làm việc trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng Covid-19; đến hết tháng 4/2022, trên 70% người dân sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế).

Nguyên tắc thực hiện: Triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc xin cho người dân. Đảm bảo tiêm hết số lượng vắc xin trước khi hết hạn sử dụng tránh để lãng phí vắc xin. Huy động tối đa các lực lượng bao gồm: các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, giáo dục, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể... hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ sử dụng vắc xin cao cho người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Chiến dịch tiêm chủng diện rộng đặt tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động đủ điều kiện: Bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế, nhà máy, trường học...  

Thời gian tổ chức tiêm có thể thay đổi tùy theo tình hình cung ứng vắc xin của Trung ương.

* Ngày 18/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3312/UBND-KGVX về đôn đốc hoạt động tại các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan chỉ đạo một số nội dung sau:

1. Rà soát, khảo sát, bố trí các điểm chốt kiểm soát liên ngành phù hợp, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người từ tỉnh khác đến Thái Nguyên, nhất là những người đến từ vùng có dịch Covid-19; xây dựng phương án phối hợp, tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát liên ngành.

2. Chỉ đạo các chốt kiểm soát liên ngành: Tăng cường công tác phối hợp, kết nối thông tin giữa các chốt để đảm bảo kiểm soát tất cả các trường hợp người từ vùng có dịch vào tỉnh. Chấn chỉnh tác phong làm việc và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ làm việc tại các chốt về cách ứng xử, xử lý tình huống để phục vụ Nhân dân kịp thời, hiệu quả.

* Ngày 21/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3399/UBND-KGVX về tăng cường kiểm soát công nhân, người lao động, người từ các tỉnh, thành phố khác vào tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên, UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Yêu cầu chủ doanh nghiệp, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 tại Công văn 3345/UBND-KGVX ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh và các quy định khác có liên quan; yêu cầu công nhân, người lao động hạn chế ra/vào tỉnh, bố trí ở lại địa phương nơi làm việc cho đến khi tình hình dịch bệnh của các tỉnh, thành phố ổn định. Trường hợp cần thiết phải đến, trở về tỉnh Thái Nguyên yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của đơn vị có thẩm quyền trong vòng 72 giờ.

- Tiếp tục thực hiện Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu 100% công nhân, người lao động hằng ngày phải khai báo y tế, lịch trình di chuyển, cung cấp thông tin về nơi lưu trú với Chủ doanh nghiệp để phối hợp kiểm soát và thuận tiện trong quá trình truy vết khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu nhà trọ dành cho công nhân; yêu cầu các chủ nhà trọ ký cam kết đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, kịp thời khai báo với chính quyền địa phương khi phát hiện những trường hợp từ vùng có dịch lưu trú tại khu nhà trọ.

* Ngày 24/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3464/UBND-KGVX về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Từ ngày 24/7/2021, áp dụng bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19  trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên:

- Các trường hợp người dân từ các vùng không có dịch của các tỉnh, thành phố khi trở về tỉnh Thái Nguyên yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real time - PCR của đơn vị có thẩm quyền trong vòng 72 giờ.

- Thực hiện cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với các trường hợp người dân từ Thành phố Hà Nội trở về tỉnh Thái Nguyên từ ngày 24/7/2021 (Riêng các trường hợp đi công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch nơi đến công tác; khi trở về phải lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Real time - PCR và tự theo dõi sức khỏe trong vòng 03 ngày).

- Rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe tại nhà đối với các trường hợp người dân từ Thành phố Hà Nội trở về tỉnh Thái Nguyên từ ngày 17/7/2021 đến ngày 23/7/2021.

Các sở: Y tế, Xây dựng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và các đơn vị, địa phương tham mưu xây dựng phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến trong và ngoài khu công nghiệp. Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị y tế và các điều kiện cần thiết, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống dịch theo các cấp độ dịch. UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hộ gia đình, người lao động lưu trú trên địa bàn thực hiện việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch và khai báo y tế. Tăng cường kiểm tra việc chấp các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn (ghi thông tin khách hàng, thực hiện quy định về khoảng cách, sát khuẩn tay,…); khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống bán hàng mang về. Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực các Tổ Covid-19 cộng đồng; thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; đảm bảo nắm bắt, phát hiện sớm, cách ly ngay các trường hợp thuộc diện phải cách ly tập trung.

*Ngày 26/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3490/UBND-KGVX về việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ người từ các vùng có dịch vào tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

1. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, công nhân, người lao động, người dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền địa phương về các trường hợp trở về từ vùng dịch mà không khai báo, chưa được cách ly theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định hoặc những trường hợp không đăng ký thường trú, không rõ thông tin, lý lịch, mới đến lưu trú trên địa bàn.

2. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu nhà trọ, cơ sở lưu trú; kịp thời phát hiện người trở về từ vùng dịch đang lưu trú trên địa bàn; áp dụng ngay các biện pháp cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi sức khỏe theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở, người đến lưu trú không khai báo, khai báo không trung thực hoặc che dấu thông tin, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch Covid-19  kiểm soát chặt chẽ người vào tỉnh; bố trí bổ sung các điểm chốt nếu cần thiết; có phương án kết nối, trao đổi thông tin giữa các chốt để kịp thời kiểm soát các trường hợp không đủ điều kiện vào tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng; tăng cường tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện các trường hợp “né chốt”, nhất là ở các địa bàn có đường cao tốc.

*Ngày 28/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3548/UBND-TH về áp dụng một số biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo:

1. Từ ngày 29/7/2021, điều chỉnh một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như sau:

- Tạm dừng các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời; các cơ sở giáo dục mầm non.

- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà chỉ được phục vụ không quá 20 người trong một phòng ăn và đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch; ghi đầy đủ họ tên, số điện thoại, địa chỉ của khách hàng để phục vụ công tác điều tra, truy vết khi cần thiết. Khuyến khích bán hàng mang đi, hạn chế phục vụ ăn uống tại chỗ.

- Người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm) để lưu thông qua chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch Covid-19 khi vào tỉnh Thái Nguyên.

2. Giao UBND: thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên kịp thời bổ sung các chốt kiểm soát tại nút giao Thịnh Đán, Sông Công, Yên Bình (đường cao tốc hướng Thái Nguyên đi Hà Nội) để kiểm soát các trường hợp không đủ điều kiện vào tỉnh; có phương án kết nối, trao đổi thông tin giữa các chốt để việc kiểm soát được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.

* Ngày 22/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3413/UBND-TH về triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh.

2. Tiếp thục thực hiện nghiêm phương châm “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh với cách làm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

3. Theo dõi sát tiến độ thu ngân sách, quyết liệt bảo đảm hoàn thành dự toán được giao trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ việc chi ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên bố trí nguồn chi ngân sách cho công tác phòng dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

4. Quán triệt thực hiện nghiêm các nội dung UBND tỉnh đã chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với từng dự án, đặc biệt là các dự án ODA; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ kéo dài.

5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên các lĩnh vực.

6. Đẩy mạnh triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách hành chính.

7. Tăng cường phát triển sản xuất công nghiệp, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện, thế mạnh của từng địa phương.

8. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng, năng lực, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức.

9. Thường xuyên giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để có các biện pháp khống chế, dập dịch kịp thời; chủ động làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm duy trì sản xuất nông, lâm nghiệp ổn định.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

10. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

11. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, có hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp (trực tuyến, từ xa...), thích ứng với diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19.

12. Tiếp tục rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp theo thẩm quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

13. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương theo kế hoạch đã đề ra, nắm chắc diễn biến tình hình để bổ sung, điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong mọi tình huống.

14. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân và doanh nghiệp ngay tại địa phương, cơ sở; tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Trước mùa mưa bão sắp đến, nhằm chủ động công tác phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo:

*Ngày 15/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3294/UBND-CNNXD về tổ chức triển khai Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một số nội dung sau:

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao các bản tin động đất, bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai do các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin quy định tại Điều 6 Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg.

- Truyền phát kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên hệ thống thông tin liên lạc do cơ quan quản lý  khai thác tới cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai và đến cộng đồng; mở rộng vùng phát sóng vùng sâu, vùng xa; nhắn tin SMS đến các số di động theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Cập nhật, cung cấp thông tin thực tế về thiệt hại do thiên tai gây ra cho cơ quan dự báo, cảnh báo; định kỳ hằng năm cung cấp các thông tin tổng hợp về thiên tai, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và UBND tỉnh.

- Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn; tăng cường đầu tư phương tiện, thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiệu quả.

- Chủ động cung cấp thông tin về các khu vực, các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm, dễ bị tác động bởi thiên tai như: Các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu vực hầm mỏ, bãi thải khai thác khoáng sản, các công trường xây dựng… về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sau khi có bản tin dự báo, cảnh báo đầu tiên về thiên tai.

- Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện các quy định pháp luật về cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

*Ngày 26/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3477/UBND-CNNXD về tổ chức triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai): Rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiện toàn và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo quy định. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Thường trực, sẵn sàng huy động triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.

Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; triển khai ngay các lực lượng cứu hộ, di dời dân vùng bị ngập sâu. Rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai trong tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên địa bàn, tập trung đảm bảo an toàn và các điều kiện thiết yếu về nhu yếu phẩm, y tế cho người dân khu vực sơ tán khi xảy ra thiên tai.

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động kiểm tra, nắm bắt tình hình thiên tai và công tác phòng tránh, ứng phó và khắc phục thiệt hại (nếu có) tại các địa phương được phân công phụ trách; kịp thời tham mưu, đề xuất Trưởng ban, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy biện pháp phòng tránh, ứng phó và khắc phục thiệt hại  do thiên tai gây ra theo quy định.

Các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, chỉ đạo, điều hành các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.

*Ngày 28/7, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo triển khai xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo quy định của pháp luật, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, không làm phát sinh bộ máy, tránh hình thức, lãng phí.

2. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích tại các địa phương.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc hướng dẫn cơ quan công an địa phương các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức, sử dụng lực lượng công an xã phối hợp với các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Lồng ghép việc tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai trong việc tập huấn, huấn luyện cho công an xã.

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Chỉ đạo các cấp Hội, đoàn thể tại địa phương phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã triển khai xây dựng, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho lực lượng xung kích tại cơ sở.

6. Các sở, ban, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn các địa phương khi có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng và triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo quy định.

*Ngày 26/7, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3478/UBND-CNNXD về tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Mùa, Đông năm 2021.

UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trong ngành và cơ quan chuyên môn: Theo dõi và chỉ đạo phòng, chống sâu bệnh gây hại cây trồng vụ Mùa, cây trồng vụ Đông, cây trồng chủ lực và các cây trồng khác trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc buôn bán vật tư nông nghiệp không để tình trạng lợi dụng phòng chống dịch Covid-19 để tăng giá hoặc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh, điều tiết cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ đầy đủ theo nhu cầu của nông dân.

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã tập trung nguồn lực bảo vệ các vùng sản xuất nông sản, sản phẩm chủ lực trong vụ Mùa, vụ Đông năm 2021 đảm bảo an toàn về dịch bệnh, không để tình trạng thiếu nguồn lực lao động chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng và thu hoạch nông sản. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, phường thị trấn phối hợp cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp tại địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh vi phạm đầu cơ, nâng giá, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và bức xúc trong xã hội.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình hình sâu bệnh hại cây trồng lây lan rộng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ Mùa, Đông và các sản phẩm cây trồng chủ lực.

Thu Hà (tổng hợp, biên tập)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2818867